
Máy tính chạy chậm thì nên nâng cấp gì ?

Chiếc máy tính thân yêu vẫn đang dùng tốt, bỗng dưng bắt đầu chạy chậm dần và thường xuyên ì ạch khiến công việc của bạn trở nên khó khăn. Bực tức và mệt mỏi, nhiều lúc bạn sẽ nghĩ sao không bán nó và mua máy khác?. Tuy nhiên bạn cần phải biết rằng máy tính chậm đi có nhiều nguyên nhân mà trong đó đa phần là do cách sử dụng và việc nâng cấp hệ điều hành, phần mềm,… Nếu bạn muốn máy mình nhanh hơn bằng việc nâng cấp phần cứng để tiết kiệm chi phí thì bạn nên đọc bài này để có những quyết định nâng cấp tốt nhất.
1.Nâng cấp RAM
Khi nào mới cần nâng cấp RAM, đó là khi mà hệ điều hành hay các phần mềm của bạn đã sử dụng đến ngưỡng RAM máy đang có. Khi này, các ứng dụng sẽ bị delay, chờ ứng dụng khác giải phóng bộ nhớ. Trong một số trường hợp không phần mềm nào chịu giải phóng, hệ điều hành sẽ tự động dừng để nhường bộ nhớ cho những tiến trình quan trọng.
RAM có các chỉ số quan trọng như loại RAM (DDR, DDR2,3,4,…) Dung lượng (1,2,4GB,….), và số BUS (800, 1333,….). Để nâng cấp bạn phải biết được thông số của Mainboard (bo mạnh chủ) trước khi có thể mua RAM. Tuy nhiên nâng cấp RAM dung lượng lớn chỉ là một phần giúp máy chạy nhanh hơn, việc số BUS và loại RAM cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ đọc ghi trên RAM. Nhưng hai chỉ số này phụ thuộc vào Mainboard do đó nếu cảm thấy mainboard đã quá cũ thường là dòng có BUS 800 và hỗ trợ loại RAM từ DDR2 trở xuống. Lúc này bạn nên nghĩ đến việc thay mainboard và thay RAM.
2.Nâng cấp ổ cứng
Đang ngồi làm thì có anh bạn đồng nghiệp chạy đến và hỏi “giờ anh muốn nâng cấp RAM thì mua ở đâu tốt”, mình hỏi là “sao anh lại muốn nâng RAM”, câu trả lời đơn giản của anh là vì máy anh khi sao chép dữ liệu rất chậm, khởi động máy lâu,… Mình tin chắc không chỉ riêng anh đồng nghiệp của mình mà rất nhiều người cũng thường hay hỏi như vậy.
Như đã nói ở phần “Nâng cấp RAM”, việc máy chậm do RAM chỉ khi bạn mở một phần mềm nào đó lên và thực hiện thao tác mà chưa lưu, còn các thao tác như lưu, trích xuất hoặc di chuyển dữ liệu mà chậm thì không phải là do RAM, đó là do ổ cứng của bạn.

Tốc độ lưu, trích xuất hoặc di chuyển dữ liệu không phụ thuộc ram mà phụ thuộc đến ổ cứng
Ổ Cứng có hai nguyên nhân phổ biến gây ra chậm, một là do tốc độ vòng quay và hai là ổ cứng bị phân mảnh dữ liệu. Hai nguyên nhân này chỉ xuất hiện trên ổ cứng HDD, còn với SSD thì không gặp phải, do đó nâng cấp lên SSD là một giải pháp tốt nhất mà nhiều người đang hướng đến sử dụng.
Tuy nhiên SSD hiện có giá cũng không phải là rẻ, bạn có thể khắc phục hiện tượng phân mảnh bằng nhiều phần mềm chống phân mảnh để tiết kiệm chi phí, nhưng về lâu về dài thì hiện tượng này có thể quay trở lại.
3.Nâng cấp CPU
CPU là một thành phần trung tâm quan trọng, nó tiếp nhận và xử lý hầu hết các thông tin dữ liệu, nó đó nó chậm thì dường như mọi thứ cũng sẽ trở nên chậm chạp.

CPU là nơi tiếp nhận và xử lý hầu hết các hoạt động, do đó nếu CPU đã chạm mức giới hạn hãy tìm cách để nâng cấp nó
CPU có những thông số ảnh hưởng đến tốc độ như:
- Bộ nhớ đệm: Đây là số dung lượng lưu trữ đệm có trong CPU, con số càng lớn sẽ giúp CPU xử lý nhanh hơn. Ví dụ như Intel® Pentium® Dual-Core E5200 có vùng nhớ đẹm 2 cấp (L2-cache) có dung lượng 2MB.
- Tốc độ xung nhịp: Đây là chỉ số đo tốc độ xung nhịp trong 1 giây. Ví dụ Intel® Pentium® Dual-Core E5200 có tốc độ xung nhịp là 2.5GHz, do đó nó có khả năng tính được 2,5 triệu phép tính chỉ 1 giây trên mỗi nhân (đây là cpu hai nhân độc lập). Tất nhiên con số này càng lớn thì CPU sẽ trở nên mạnh mẽ và xử lý nhanh hơn.
- Bus: Tương tự như RAM, số Bus được xem như là “độ rộng của con đường dữ liệu”, do đó số Bus lớn thì số lượng dữ liệu đi qua sẽ nhiều và nhanh hơn.
- Công nghệ: Chúng ta thường nghe nói đến những con chip siêu nhỏ, không phải vì người ta loại bỏ nhiều thành phần làm cho nó nhỏ, mà chính là họ sử dụng công nghệ để làm nó nhỏ, trong đó có những giải pháp cực kỳ thông minh không chỉ làm nó nhỏ gọn mà còn trở nên hiệu quả và tiết kiệm năng lượng hơn. Con CPU Intel® Pentium® Dual-Core E5200 được sản xuất với công nghệ 45nm, công nghệ này giúp nó tích hợp được nhiều các transistor trên một miếng bán dẫn, giúp cpu xử lý nhanh hơn, tiết kiệm điện hơn và tỏa ít nhiệt hơn.
- Số nhân: Như có nhắc đến trong phần Tốc độ xung nhịp, Số lượng nhân càng lớn thì tốc độ xung nhiệp càng được nhân lên theo số nhân, do đó nâng cao được tốc độ xử lý của bộ vi xử lý.
Khi nâng cấp CPU bạn phải chú ý các thông số như Socket (số chân) và Bus phù hợp với Mainboard của bạn, nếu không bạn không thể sử dụng CPU đó trên mainboard.
4.Nâng cấp card đồ họa.
Khi bạn làm đồ họa hoặc xem các video, tấm hình có độ phân giải cực cao, việc nâng cấp một chiếc card đồ họa là điều nên làm để làm các tiến trình xử lý đồ họa trở nên nhanh hơn.
Nếu là máy bàn, bạn dễ dàng nâng cấp chúng qua các khe cắm mở rộng, tuy nhiên bạn cũng nên lựa chọn các dòng card có số bus bằng với số bus của mainboard. Thông thường loại card đồ họa có thông số càng cao thì càng mắc và đem lại hiệu năng càng cao.
5.Mua máy mới
Nếu máy của bạn đã ở đời quá cũ thì hãy nghĩ đến chuyện tiễn biệt nó và tậu em máy mới, bởi các máy cũ nếu nâng cấp thì dường như phải nâng cấp toàn bộ, chi phí cũng không hề rẻ hơn một chiếc máy tính mà còn có nguy cơ xung đột phần cứng hoặc vấn đề về bảo hành linh kiện.

Mua máy tính mới chính là lựa chọn đúng đắn nhất khi máy tính của bạn đã quá cũ
