
Có nên sử dụng WordPress để làm website cho doanh nghiệp?

WordPress là một trong những nền tảng website phổ biến nhất hiện nay, với hơn 20% website đang hoạt động trên toàn cầu. Vậy WordPress có thật sự tốt để dùng cho doanh nghiệp của bạn hay không?. Trong bài viết này mình sẽ đưa ra những ưu và nhược điểm của WordPress để giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về nó, từ đó có quyết định có nên sử dụng nó hay không.
Các nhược điểm của WordPress
WordPress là một cms tuyệt vời, tuy nhiên nó cũng có ẩn chứa một số nhược điểm khiến nhiều người vẫn còn e dè khi sử dụng nó. Một trong số những nhược điểm của nó như sau:
1. Thường xuyên là mục tiêu spammer
WordPress được sử dụng bởi hơn 20% số website trên toàn thế giới, mã nguồn WordPress được chia sẻ rộng rãi và dễ dàng được mổ sẻ để nghiên cứu. Chính vì thế mà nó dễ dàng trở thành mục tiêu của các spammer hoặc các hacker.
Tuy nhiên WordPress luôn cập nhật để vá các lỗ hỏng bảo mật và luôn làm nó trở nên an toàn nhất có thể. Thay vì sử dụng bình luận của WordPress bạn có thể sử dụng bình luận nhúng của Facebook (như tuandc.com) để hạn chế việc spam và đảm bảo bình luận được lưu trữ tốt.
Nếu bạn muốn sử dụng bình luận của WordPress thì có thể cài đặt thêm một số plugin chống spam để hạn chế spam bình luận.
2. Ẩn chứa nhiều mã độc từ các theme và plugin miễn phí
WordPress có một kho plugin và giao diện miễn phí, đa dạng. Tuy nhiên nó cũng ẩn chứa những mối nguy hiểm mà người dùng khó lường trước được. Các loại mã độc được chèn trong theme và plugin dễ dàng chiếm quyền kiểm soát website, đánh cắp thông tin từ database hoặc đánh cắp mật khẩu, thẻ tín dụng,… khi được nhập vào, bất chấp việc website của bạn có sử dụng SSL hay không.

Các theme và plugin miễn phí tiềm ẩn nhiều rủi ro từ các mã độc
Nếu không đánh cắp thông tin, các dạng mã độc này cũng có khả năng điều hướng website của bạn đến một website khác hoặc chèn những quảng cáo hoặc hình ảnh khiến website của bạn trở nên mất kiểm soát.
Nếu sử dụng WordPress bạn nên hạn chế tối đa việc sử dụng plugin, và hãy bỏ tiền để mua theme (một là từ nhà cung cấp – hai là từ những dev viết theme 100%, không nên mua theme của những người tải theme miễn phí về, sau đó tùy chỉnh bằng các plugin và bán lại.)
3. Sửa đổi đòi hỏi có kiến thức về PHP, HTML, CSS, JS,…
Nếu bạn muốn sửa đổi một thứ gì đó để phù hợp, bạn cần phải có kiến thức về PHP, HTML, CSS và JS (javascript). Tuy nhiên WordPress có hàng loạt các plugin có thể giúp bạn chỉnh sửa mà không cần phải biết, nhưng vẫn không thể tuyệt đối 100%.
Cách tốt nhất vẫn là phải có kiến về PHP, HTML, CSS và JS để tự build được những thứ cần thiết cho website của mình.
Các ưu điểm của WordPress
Có nhược điểm thì cũng có ưu điểm, và dưới đây là một trong những ưu điểm của WordPress:
1. Dễ dàng sử dụng.
WordPress không dễ dàng chỉnh sửa, nhưng nó lại cực kỳ dễ sử dụng. Bất cứ ai, chỉ cần làm quen nó trong vài giờ là có thể thành thạo ngay lập tức.
Đối với doanh nghiệp, việc bán hàng hay đơn giản chỉ là website tin tức của doanh nghiệp thì điều này là điều cần thiết, bởi không phải lúc nào cũng phải hướng dẫn nhân viên sử dụng một hệ thống website phức tạp, thay vào đó là sự đơn giản, dễ dàng sử dụng đến mức không tưởng.

WordPress dễ sử dụng và phù hợp với nhiều đối tượng
2. Cộng đồng rộng lớn.
Website của bạn được một đối tác nào đó xây dựng trên WordPress và vì lý do nào đó họ “biến mất” thì bạn cũng không quá lo lắng, chỉ cần rao trên mạng hoặc các nhóm cộng đồng WordPress bạn sẽ nhanh chóng có được sự hỗ trợ ngay lập tức.
Khác so với các loại mã nguồn khác, WordPress rất dễ được các lập trình viên tìm ra cấu trúc hay lỗi khi gặp sự cố để khắc phục ngay lặp tức và vận hành lại website của bạn mà không phải mất công chờ đợi lâu.
3. Khả năng mở rộng mạnh mẽ.
WordPress rất dễ tùy biến và có nhiều hướng hỗ trợ lập trình viên phát triển nên nó được xem là một trong những cms có khả năng mở rộng mạnh mẽ.
WordPress có thể tích hợp được nhiều các loại công nghệ khác, tạo ra nhiều tính năng khác hỗ trợ cho website. Tuy nhiên với khả năng mở rộng đó thì đôi khi nó cũng là con dao hai lưỡi khiến website trở nên kém bảo mật hơn.
4. Chi phí khởi tạo không quá cao.
Chi phí khởi tạo website WordPress không quá cao, nếu không muốn nói là rất rẻ. Bản chất mã nguồn WordPress là đã được chia sẻ miễn phí, bạn chỉ phải tốn phí cho việc duy trì hosting và domain, phí ban đầu để mua giao diện là đủ.
Một giao diện website WordPress đơn giản được viết mới hoàn toàn có giá là hơn 4 triệu đồng, chi phí để duy trì một website nhỏ chỉ hơn 1 triệu đồng / năm. Bảo trì nó cũng không quá tốn kém do nó là một mã nguồn phổ biến và có một cộng đồng lớn đứng phía sau.
Kết luận
WordPress vẫn xứng đáng để lựa chọn làm website cho doanh nghiệp. Trong bài viết Vì sao bạn cảm thấy WordPress nặng và kém bảo mật hơn các mã nguồn khác? mình đã có nói về việc kém bảo mật của WordPress, rõ ràng là nó không kém bảo mật, mà chính là do cách dùng của chúng ta khiến nó kém bảo mật.
Nếu bạn muốn tư vấn về việc thiết kế website WordPress có thể comment bên dưới, mình sẽ hỗ trợ bạn mọi thứ có thể.
